Chính sách xuất bản

Đạo đức xuất bản

Quy định về đạo đức của Tạp chí áp dụng các tiêu chuẩn của Ủy ban Đạo đức Xuất bản (COPE’s guidelines, https://publicationethics.org/guidance/Guidelines), thúc đẩy tính liêm chính trong các ấn phẩm nghiên cứu được bình duyệt. Quy định này làm rõ hành vi đạo đức của tất cả các bên liên quan đến việc đăng một bài báo trên tạp chí: bao gồm tác giả, tổng biên tập, Ban biên tập, các phản biện. Quy định này tuân thủ theo Bộ quy tắc ứng xử và Hướng dẫn phương thức tối ưu của COPE dành cho Biên tập viên Tạp chí, bao gồm:

  • Phản biện bản thảo
  • Đạo văn
  • Gửi bản thảo tới nhiều tạp chí và chia nhỏ nội dung
  • Trích dẫn có chủ ý
  • Ngụy tạo và chỉnh sửa số liệu, hình ảnh
  • Quyền tác giả và lời cảm ơn
  • Xung đột lợi ích
  • Xử phạt
  • Điều tra
  • Sửa chữa và rút bản thảo

Ngoài ra, Tạp chí tuân thủ theo Hướng dẫn của Ủy ban Quốc tế các Biên tập viên Y khoa (ICMJE - International Committee of Medical Journal Editors) về liêm chính khoa học. Tác giả của bài báo xuất bản trên Tạp chí phải thỏa mãn đồng thời 4 yêu cầu sau:

  • Có đóng góp thực chất cho nội dung nghiên cứu
  • Đã thông qua nội dung bài báo
  • Chấp thuận phiên bản cuối cùng của bài báo trước khi công bố
  • Đồng ý chịu trách nhiệm về mọi khía cạnh liên quan đến tính chính xác và liêm chính của nghiên cứu được công bố

Phát hiện sai phạm

Tạp chí tiếp nhận mọi tố cáo sai phạm kèm bằng chứng thông qua Email: tapchi.nicvb@gmail.com hoặc qua đường bưu điện về địa chỉ:

Tòa soạn Tạp chí Khoa học Kiểm định vắc xin và sinh phẩm y tế

Phòng Công nghệ thông tin truyền thông và Tạp chí

Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế

Số 1 Nghiêm Xuân Yêm, Quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.

Mọi thông tin của cá nhân phát hiện sai phạm được bảo mật hoàn toàn.

Quy trình xử lý và phản hồi tuân theo quy định của tạp chí, áp dụng theo Hướng dẫn của COPE (Cụ thể tại đây https://publicationethics.org/files/u7141/1999pdf13.pdf).

Đạo văn

Các lỗi sau đây được quy định là đạo văn:

  • Sử dụng sản phẩm học thuật của người khác mà cam đoan rằng đó là của mình (được người viết thay tên)
  • Sao chép (copy) quá nhiều từ một công trình (mặc dù có chỉ ra nguồn trích) để hình thành một phần lớn công trình của mình
  • Không dẫn nguồn đã trích khi thay đổi từ ngữ, di chuyển từ hoặc cụm từ, ý tưởng của tác giả khác; gắn các cụm từ của các nguồn khác nhau và chỉnh sửa lại trong bài viết; thay đổi từ ngữ, cụm từ nhưng vẫn giữ nguyên cấu trúc của đoạn văn hoặc bài viết
  • Sử dụng bất kỳ sản phẩm học thuật hoặc số liệu sẵn có của các tác giả khác (bao gồm cá nhân, nhóm người, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, và các tổ chức khác), không phải của mình mà không nêu rõ nguồn và tác giả
  • Cung cấp không chính xác về tác giả, nguồn của thông tin được trích dẫn (ví dụ: thông tin của tác giả A nhưng người viết ghi nguồn trích là tác giả B; nguồn thông tin là từ bài viết chưa được xuất bản nhưng lại được ghi dưới dạng bài báo, sách đã xuất bản)
  • Sử dụng hơn 30% những sản phẩm học thuật của mình đã công bố vào những sản phẩm học thuật mới do mình là tác giả hoặc đồng tác giả mà không ghi rõ nguồn, gọi là tự đạo văn.

Khi phát hiện đạo văn, tùy theo mức độ vi phạm, Ban biên tập Tạp chí sẽ áp dụng hình thức xử lý phù hợp, bao gồm:

  • Yêu cầu tác giả phải viết lại, chỉnh sửa lại bài
  • Không xem xét đăng bài
  • Mọi vi phạm nghiêm trọng về vấn đề đạo văn sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật theo Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam

Đạo đức nghiên cứu

Nhân quyền, quyền riêng tư và bảo mật:

Tạp chí yêu cầu tất cả nghiên cứu lâm sàng hoặc nghiên cứu có sự tham gia của con người phải tuân thủ các quy định về mặt đạo đức cũng như bảo mật thông tin. Tạp chí có quy trình nghiêm ngặt trong xem xét và xuất bản các nghiên cứu dạng này theo các nguyên tắc Helsinki và Hướng dẫn của Ủy ban Biên tập Tạp chí Y khoa Quốc tế (Cụ thể tại đây https://icmje.org/icmje-recommendations.pdf).

Trong các nghiên cứu về xã hội học, khảo sát, phân tích dữ liệu liên quan đến con người, Tạp chí yêu cầu các tác giả phải chịu hoàn trách nhiệm bảo mật thông tin cũng như phải được sự đồng ý của tất cả những người tham gia nghiên cứu. Tạp chí hiện áp dụng theo Hướng dẫn của Hiệp hội Dân tộc học Quốc tế (Cụ thể tại đây https://ethnobiology.net/what-we-do/core-programs/ise-ethics-program/code-of-ethics/) và Hiệp hội Nhân học Hoa Kỳ (Cụ thể tại đây http://ethics.americananthro.org/). Trong trường hợp nghiên cứu không cung cấp được văn bản thể hiện sự đồng ý của người tham gia nghiên cứu, Tạp chí vẫn chấp nhận xem xét bài báo nếu tác giả cung cấp được bằng chứng về việc người nghiên cứu có nhận thức rõ ràng về việc tham gia nghiên cứu. Trong trường hợp này, Tạp chí sẽ áp dụng theo Hướng dẫn đạo đức nghiên cứu xã hội của Hiệp hội các nhà nhân học xã hội của Vương quốc Anh và Khối thịnh vượng chung (Cụ thể tại đây https://theasa.org/downloads/ASA%20ethics%20guidelines%202011.pdf) và Hiệp hội Nhân chủng học Hoa Kỳ (Cụ thể tại đây http://ethics.americananthro.org/).

Nghiên cứu trên động vật

Tạp chí xem xét các nghiên cứu trên động vật nghiêm ngặt như các nghiên cứu trên người. Tạp chí khuyến khích các tác giả tuân thủ theo nguyên tắc 3R (Cụ thể tại đây https://nc3rs.org.uk/who-we-are/3rs) và Hướng dẫn báo cáo nghiên cứu trên động vật ARRIVE (Cụ thể tại đây https://www.nc3rs.org.uk/arrive-guidelines). Tạp chí xem xét và đánh giá các nghiên cứu theo Hướng dẫn dành cho Tạp chí, Nhà xuất bản của Hội đồng Quốc tế về Khoa học Động vật trong Phòng thí nghiệm (Cụ thể tại đây https://iclas.org/committees/ethics-and-animal-welfare-committee/) về các khía cạnh:

  • Thiết kế nghiên cứu và phân tích thống kê
  • Quy trình thí nghiệm
  • Động vật thí nghiệm
  • Khu vực chăn nuôi

Tạp chí yêu cầu các tác giả xác nhận rằng đã được Hội đồng đạo đức của Cơ quan chủ quản có thẩm quyền thông qua nghiên cứu và cung cấp minh chứng. Tạp chí sẽ kiểm tra tất cả các quy tắc đạo đức liên quan đến nghiên cứu trên động vật và nếu có thắc mắc hoặc cần làm rõ, có thể yêu cầu tác giả giải trình thêm.

An toàn sinh học

Tạp chí có thể yêu cầu các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học y sinh phải làm rõ khả năng ứng dụng kết quả nghiên cứu trong đời sống về 2 khía cạnh: Đem lại lợi ích hoặc Gây tổn hại đến sức khỏe cộng đồng. Tạp chí khuyến khích các tác giả tuân thủ theo Hướng dẫn của Cơ quan An ninh Sinh học Hoa Kỳ NSABB (Cụ thể tại đây https://osp.od.nih.gov/2016/01/05/nsabb-to-meet-on-gain-of-function-studies-to-talk-risks-benefits-ethics-and-policy/).